Bộ luật lao động 2019 cũng bổ sung thêm một hình thức nữa của Hợp đồng lao động, theo đó, các bên có thể giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu và Hợp đồng này cũng có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Được định nghĩa tại Điều 3 của Nghị định số: 130/2018/NĐ-CP
5. “Ký số” là việc đưa khóa bí mật vào một chương trình phần mềm để tự động tạo và gắn chữ ký số vào thông điệp dữ liệu.
11. “Thuê bao” là cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp chứng thư số, chấp nhận chứng thư số và giữ khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số được cấp đó.
12. “Người ký” là thuê bao dùng khóa bí mật của mình để ký số vào một thông điệp dữ liệu dưới tên của mình.
13. “Người nhận” là tổ chức, cá nhân nhận được thông điệp dữ liệu được ký số bởi người ký, sử dụng chứng thư số của người ký đó để kiểm tra chữ ký số trong thông điệp dữ liệu nhận được.
14. “Ứng dụng sử dụng chữ ký số” là các ứng dụng công nghệ thông tin cho phép tích hợp và sử dụng chữ ký số để xác thực.
21. “Thiết bị lưu khóa bí mật” là thiết bị vật lý chứa chứng thư số và khóa bí mật của thuê bao.
Thực tế, loại hình giao dịch bằng Thông điệp điện tử đã được công nhận từ thời điểm Luật giao dịch điện tử 2005 có hiệu lực vào ngày 01/03/2006. Việc công nhận loại Hợp đồng lao động bằng thông điệp dữ liệu một phần để phù hợp với các quy định đã có sẵn trong Luật giao dịch điện tử 2005, mặt khác để đáp ứng nhu cầu thực tiễn rất nhiều người sử dụng lao động đã và đang sử dụng thông điệp dữ liệu để xác nhận các nội dung về thử việc, thư mời nhận việc, Hợp đồng lao động… Đồng thời, điều này củng cố thêm cơ sở pháp lý cho Người sử dụng lao động cũng như Người lao động có thể dùng thông điệp dữ liệu để chứng minh cho quan hệ lao động khi thực hiện giải quyết tranh chấp tại Hòa giải viên lao động, Tòa án nhân dân…
Theo Điều 10, Điều 36 Luật giao dịch điện tử 2005 thì “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”…. “Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu”.
Như vậy, với sự công nhận Hợp đồng lao động bằng thông điệp dữ liệu thì ngay từ thời điểm gửi đề nghị giao kết Hợp đồng cho Người lao động thông qua thông điệp dữ liệu và Người lao động trả lời chấp nhận đề nghị đó thì Hợp đồng lao động giữa các bên đã được giao kết và có thể được công nhận theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, mặc dù Hợp đồng lao động dưới dạng thông điệp dữ liệu đã được ghi nhận nhưng Người sử dụng lao động vẫn nên sử dụng hình thức Hợp đồng lao động bằng văn bản để bảo đảm hơn về tính pháp lý.
————-
Tham khảo thêm tại:
– Điều 35, 36, 37, 38 của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử
– Điều 5 Nghị định 30/2020/ND-CP về công tác văn thư thừa nhận văn bản điện tử được ký số có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.
– Điều 15 Luật thương mại số 36/2005/QH11 thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại có giá trị pháp lý tương đương văn bản.
– Điều 14 Bộ luật lao động 45/2019/QH14 nêu rõ Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản
– Điều 119 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 quy định Hình thức giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản